Việc thầy giáo sờ đùi, sờ mông nữ sinh lớp năm ở Việt Yên, Bắc Giang chưa lắng xuống, cựu Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân Đà Nẵng lại gây tranh cãi về ranh giới giữa "nựng" và "dâm ô" trong thang máy tại TP HCM. Và còn nhiều vụ việc tương tự ở nhiều nơi, tổn hại tới phụ nữ, trẻ em - những người yếu thế, đang tồn tích chờ giải quyết.
Hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý và người dân đều cho rằng phải hoàn chỉnh pháp luật sao cho cụ thể hơn, thực thi pháp luật nghiêm minh hơn để loại cái ác khỏi xã hội. Yêu cầu của họ hoàn toàn đúng khi pháp luật của ta còn nhiều dang dở.
Tôi có cách nhìn khác. Loại cái ác ra khỏi đời sống xã hội bằng pháp luật rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn: làm gì để các hành vi đồi bại không thể xảy ra? Nói cách khác, việc loại bỏ cái xấu bằng pháp luật chỉ là giải quyết phần ngọn, còn gốc của nó là làm sao để trong mỗi con người chỉ hình thành mầm thiện. Cái gốc bền vững đó chắc chắn là khung đạo đức chung cho xã hội. Khi mọi người đều có ý thức đạo đức đủ cao thì cái ác không còn chỗ, thậm chí pháp luật cũng là thừa.
Nhìn từ lịch sử, câu chuyện trị quốc bằng "pháp trị" hay "đức trị" được đặt ra từ 500 năm trước Công nguyên. Ở châu Âu, người ta dùng "pháp trị" trên cơ sở văn bản pháp luật đầu tiên của nhà nước La Mã cổ đại. Cùng thời điểm đó ở Đông Á, thuyết "đức trị" dựa trên Nho giáo của Khổng tử đã được lựa chọn. Sau đó, vì nhận ra khiếm khuyết, phương Tây đã bổ sung khung giá trị đạo đức để có một xã hội tốt đẹp hơn. Còn phương Đông cũng đã nhận thức được nhu cầu xây dựng hệ thống pháp luật để trừng trị cái ác. Tại Việt Nam, văn bản luật sớm nhất còn lưu lại được, Luật Hồng Đức, đã ban hành gần 520 năm trước.
Trước cách mạng, nhà nước Việt Nam sử dụng "đức trị" với khung giá trị đạo đức khá rõ ràng theo Nho giáo. Trong những ngày đầu đất nước độc lập, khung đạo đức này bị hoàn toàn dẹp bỏ cùng với chế độ phong kiến và thay thế bằng các quy tắc tập thể mới. Từ ngày Đổi mới, chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền là tư tưởng chủ đạo, song việc này đúng đắn nhưng chưa đủ, vì xây dựng khung pháp luật phải gắn với xây dựng khung giá trị đạo đức. Do vậy, nhà nước ta đến nay vẫn chưa có một khung giá trị đạo đức nào cụ thể và phù hợp để nâng đỡ một xã hội bình an, hướng thiện. Hầu hết sự việc bị quy về câu hỏi "có phạm pháp hay không" để xử lý.
Thời gian qua, nhu cầu xây dựng khung giá trị đạo đức của một số cơ quan nhà nước đã hình thành như một đòi hỏi từ thực tế. Hình thức chủ yếu là ban hành các quy tắc ứng xử, quy tắc hành xử đạo đức tại cơ quan, tổ chức hay cộng đồng. Năm 2014, Bộ Y tế với Thông tư 07; năm 2017, UBND TP Hà Nội với Quyết định 1665 và 522; năm 2019, Bộ Giáo dục và đào tạo với Thông tư 06. Đây là những tín hiệu tốt trong quản lý xã hội, người làm tốt sẽ được vinh danh và khen thưởng, ai không thực hiện sẽ bị bêu tên và quở trách. Ý tốt là vậy, nhưng tiếc thay trong tranh luận, nhiều cán bộ quản lý lại cho rằng các quy tắc này chỉ là khuyến nghị nên làm, không bắt buộc thực hiện vì không phải là luật pháp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét